Các chuyên gia và doanh nghiệp khởi nghiệp có cùng quan điểm như vậy khi nói đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giàu khát vọng tại các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bạn Hoàng Anh, đại diện một startup về ứng dụng công nghệ trong giáo dục, tỏ ra khá băn khoăn trong vấn đề lựa chọn nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự án của Hoàng Anh cần một lượng nhân viên giàu kinh nghiệm, thạo việc. Tuy nhiên, để tuyển được nhân tài như vậy thì chi phí khá cao. Điều này tạo ra khó khăn cho startup khi nguồn lực tài chính hạn chế.
Trong khi đó, nếu tuyển nhân sự có chi phí ít hơn thì startup lo ngại họ không hoàn thành được công việc. Thêm vào đó phải tốn thời gian đào tạo để họ biết việc.
Về vấn đề này, bà Phạm Lan Khanh, CEO startup Freelandcer Việt, cho rằng doanh nghiệp khởi nghiệp cần cân nhắc khi lựa chọn nhân sự phù hợp với khả năng tài chính của mình. Trường hợp doanh nghiệp cần tung sản phẩm mới, hoặc bị áp lực về mặt thời gian làm marketing,… thì nên lựa chọn những nhân sự giàu kinh nghiệm và đảm bảo được kết quả ban đầu đề ra.
“Quan trọng nhất vẫn là việc tuyển dụng nhân sự nằm ở thời điểm nào của doanh nghiệp để họ có những lựa chọn sáng suốt”- bà Khanh nói.
Còn theo ông Bùi Quang Tín, CEO trường doanh nhân BizLight, không phải nhân sự giỏi nào cũng phù hợp với công ty. Một nhân sự giỏi nhưng không có tinh thần hòa nhập, không làm việc nhóm được và không yêu thích mảng mà doanh nghiệp đang làm thì khi tuyển dụng sẽ không thể nào tận dụng tối đa họ.
Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng được văn hóa làm việc công ty. Quy mô startup là nhỏ, ít người nên các Founder (người sáng lập) và CEO đều có thể thực hiện được việc này.
Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Lan Khanh, CEO Freelancer Việt nói thêm, văn hóa doanh nghiệp là điều mà mỗi startup đều phải làm để tạo ra nguồn cảm hứng làm việc cho tất cả mọi người trong công ty.
Văn hóa doanh nghiệp tạo ra môi trường mà mọi người có thể chia sẻ tầm nhìn cùng nhau, cùng hỗ trợ nhau để đạt được những mục tiêu nhỏ trong mục tiêu lớn. Những người giỏi hơn có thể chia sẻ lại những điều mình có được cho những người yếu hơn để cùng nhau phát triển.
“Vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đây chính là người đưa ra những kế hoạch, mục tiêu của công ty và tạo ra nguồn năng lượng tích cực để mọi người cùng nhau làm việc, cùng nhau sáng tạo để đạt được mục tiêu đó.
Người đứng đầu công ty phải tạo ra nguồn cảm hứng làm việc cho nhân viên mình và giúp họ hiểu rằng họ là một phần quan trọng của công ty, sự thành công của công ty đều có sự đóng góp của mỗi cá nhân”- bà Khanh chia sẻ.
Ông Lâm Hữu Khánh Phương, sáng lập vườn ươm khởi nghiệp Uni Incubator, chia sẻ để làm tốt việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cần phải xây dựng hệ quản trị tri thức với nguồn tài nguyên là những quy trình được lưu giữ và chuyển giao.
Cụ thể, một nhân viên làm một công việc có sự lặp đi lặp lại. Họ sẽ lưu giữ lại những quy trình làm việc đó và chia sẻ lại cho những nhân viên khác. Có công ty, một nhân viên có thể nắm giữ hàng chụp “bí kíp” về các quy trình làm việc như vậy. Tài nguyên này phải được chia sẻ đến mọi người và đó là tài sản chung của công ty.
Theo khampha.vn